Cập nhật: Thứ năm, 20/05/2010, 10:32 GMT+7
Mỹ Anh là thành quả của nỗ lực không ngừng


Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Nữ hoàng và Công nương Đan Mạch,
công ty sản xuất cờ quốc tế Mỹ Anh (Hoài Đức, HN) cũng đã vinh dự được đón tiếp Nữ hoàng và Công nương tới thăm. Khung cảnh của một xưởng sản xuất cờ rộng rãi, sạch sẽ, mang nhiều nét đẹp của kiến trúc làng quê Việt cổ và đặc biệt là những tò mò về sản phẩm cờ - biểu tượng của các quốc gia – đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu về công ty này. Cuộc gặp gỡ với người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và hoạt bát, bà Từ Thị Bích Lộc, Giám đốc công ty Mỹ Anh, đã giúp chúng tôi hiểu thêm về quá trình đi lên của doanh nghiệp.

 
Khó khăn chồng chất

Ra đời từ những năm đầu của thời kỳ mở cửa kinh tế thị trường, Mỹ Anh đã trải qua nhiều thăng trầm với bước khởi đầu là một xưởng may xuất khẩu và chủ của xưởng may, hai vợ chồng bà Từ Thị Bích Lộc, cũng là những kỹ sư công nghiệp còn chưa có mấy kinh nghiệm kinh doanh nhưng vẫn quyết tâm bước vào con đường này. Bà Lộc cho biết: “Sau 4 lần phải di chuyển địa điểm sản xuất, xưởng may với 70 lao động phải giải tán. Công việc kinh doanh tưởng như bế tắc nhưng với nỗ lực vươn lên, qua sự giới thiệu của bạn bè, hai vợ chồng tôi lại tìm được mảnh đất thuận lợi, nơi đang là xưởng sản xuất của công ty hiện nay”. Có đất để ổn định, hai vợ chồng bà cũng xác định tinh thần học hỏi không ngừng, học nghề may, học quản lý, học từ khách hàng, học từ đồng nghiệp, lãnh đạo học, công nhân học…

Nắm bắt thời cơ

Với những cố gắng không ngừng, vượt qua được nhiều khó khăn, sản phẩm của Mỹ Anh đã bước đầu đã đạt được chất lượng nhất định để có được nguồn hàng cho sản xuất nhưng vẫn chưa đủ để có khách hàng cạng tranh và ổn định lao động do nguồn vốn chưa thực sự ổn định và điều kiện cơ sở vật chất chưa đủ. Đúng vào thời điểm đó, Mỹ Anh đã gặp được chương trình hỗ trợ “Doanh nghiệp tới doanh nghiệp” của dự án DANIDA, vương quốc Đan Mạch. Năm 2000, Mỹ Anh được DANIDA tài trợ để tham dự Hội chợ triển lãm thời trang may mặc tại Copenhagen. Cũng chính tại đây, cơ hội kinh doanh đã chào đón Mỹ Anh bằng cuộc gặp gỡ giữa bà Lộc và bà Lisbeth, Giám đốc công ty L&S Flags chuyên sản xuất hàng dệt may của Đan Mạch. Sau những đơn đặt hàn thử nghiệm đầu tiên, sản phẩm của Mỹ Anh đã đáp ứng được yêu cầu của đối tác và Mỹ Anh đã trở thành đối tác hợp tác lâu dài về kinh doanh sản xuất cờ quốc tế L&S Flags từ đó.
 

 Khẳng định mình

 Trờ về sau chuyến tham quan cty L&S Flags, Đan Mạch, hai vợ chồng bà Lộc vẫn trăn trở với niềm mong muốn sản phẩm phải đáp ứng chất lượng cao hơn nữa. Và sau hơn một năm làm việc ngày đêm, ông Đào Gia Tuấn, chồng bà Lộc đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy cắt cờ chéo, được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Công thương cấp bằng Sáng chế. Nhờ có chiếc máy cắt cờ này, sản xuất của Mỹ Anh ngày càng đi lên, lao động dần ổn định, doanh thu ngày một tăng. Xuất khẩu của Mỹ Anh chiếm tới 95-99% sản lượng, mặt hàng cờ quốc tế xuất khẩu 100% nguyên phụ liệu trong nước. Sản phẩm cờ quốc tế của Mỹ Anh qua đầu mối là công ty L&S Flags Đan Mạch đã tung bay trên nhiều nước thế giới. Bà Lộc cho biết: “Nhiều chuyên gia người nước ngoài đến Mỹ Anh đã rất khen ngợi về điều kiện sản xuất, điều kiện làm việc ở Mỹ Anh và bày tỏ sự ngạc nhiên khi biết rằng những lá cờ đang tung bay trên đất nước họ lại được sản xuất ở một nhà máy tại Việt Nam như họ đang thấy”. Không chỉ có sản phẩm cờ quốc tế, Mỹ Anh còn thu hút thêm được khách hàng mới là một công ty của Malaysia với sản phẩm may mặc.


 
Thành quả của hợp tác và nỗ lực

Theo bà Lộc: “Với sự giúp đỡ của dự án DANIDA và công ty L&S Flags Đan Mạch, Mỹ Anh đã từng bước tháo gỡ khó khăn và tiếp tục phát triển. Mỹ Anh luôn luôn đặt “3T – Trách nhiệm, Tích cực, Thoải mái” lên  làm những tiêu chí hàng đầu để tạo nên sự hợp tác lâu bền. Những hỗ trợ tích cực có được từ sự hợp tác kinh doanh đã giúp chúng tôi ngày càng cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân. Đồng thời chất lượng sản phẩm tốt nên thu hút được nhiều đơn đặt hàng, công nhân lại có điều kiện tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện Mỹ Anh có 150 nhân công, thu nhập hàng tháng khoảng 1 triệu đồng/ người.” Những gì có thể nhìn thấy được từ sự đi lên của Mỹ Anh là thành quả lớn có được từ sự hợp tác kinh tế theo chính sách mở cửa của nhà nước. Nhưng điều quan trọng hơn cả dẫn tới thành công của Mỹ Anh chính là sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu không ngừng của doanh nghiệp, từ đó tự tạo cơ hội nắm bắt thời cơ kinh doanh cho chính mình. Bà Lộc nói: “Chính sách mở của kinh tế của Đảng và Nhà nước đã cho chúng tôi, những kỹ sư công nghiệp một cơ hội được phát triển khả năng, sức sáng tạo của bản thân và đặc biệt là cơ hội được nhìn ra thế giới để học tập, phấn đấu và thật sự được biết thế nào là lao động hết mình”.

Bận bịu với doanh nghiệp của mình, ông bà Lộc có rất ít thời gian rảnh rỗi. Mặc dù hai cô con gái cải ông bà đều đã lập gia đình, thi thoảng mới có dịp cả đại gia đình gặp mặt, nhưng bà Lộc tâm sự: “Công việc khiến chúng tôi chẳng có thời gian rỗi nào để buồn”. Những lúc có thời gian, niềm vui và sự thảnh thơi của bà là tìm hiểu về đạo Phật, đi thăm chùa chiền. Có lẽ đó là cách thư giãn tinh thần tốt nhất sau những ngày làm việc căng thẳng, “lao động hết mình” của ông bà, để rồi sau đó lại tiếp tục bước vào cuộc hành trình học hỏi và vươn lên không ngừng.

(theo Hạnh phúc & Thành đạt / HNEW tháng 11 năm 2009)