Cập nhật: Thứ năm, 20/05/2010, 09:48 GMT+7
Nữ công nhân thời khủng hoảng kinh tế



Trong thời đại toàn cầu hóa, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới không đặt Việt Nam là một ngoại lệ. Điều đó đã khiến cho sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam bị đình trệ. Để tự cứu lấy mình, các doanh nghiệp phải tìm đủ mọi cách để giảm chi ngân sách, trong đó có sa thải lao động và giảm lao động, dẫn đến tình trạng công nhân bị mất việc làm và thiếu việc làm. Trong hoàn cảnh đó, công nhân nữ, đặc biệt là công nhân nữ nhập cư chính là những người chịu nhiều tác động tiêu cực nhất.
 
 Trình độ tay nghề thấp
Phần lớn công nhân nữ là những lao động trẻ, xuất thân từ nông thôn, và là những lao động di cư từ tỉnh này sang tỉnh khác để tìm kiếm việc làm cải thiện thu nhập. Theo một số nghiên cứu được thực hiện ở một vài thành phố tiêu biểu, có khoảng 48% công nhân nữ dưới 25 tuổi, 93% công nhân nữ nhập cư có xuất thân từ nông thôn. Ở Hà Nội, công nhân nữ chủ yếu là người thuốc các tỉnh lân cận. Trong khi đó, Tp.HCM có tỉ lệ khá cao lao động nữ từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung nhập cư vào. Khi được hỏi về lý do vào tìm việc làm ở miền Nam, chị Nguyễn Thị Hương (Nho Quan, Ninh Bình) cho biết: “Nhiều người trong làng tôi đã vào miền Nam tìm việc làm để cải thiện đời sống. Chị tôi cũng đã tìm được việc làm trong đó và giới thiệu tôi vào làm. Nếu ở nhà làm nông và làm thêm nghề đan vào những lúc nông nhàn thì thu nhập của chị em chúng tôi cũng không thể bằng những người đi làm ăn xa được”.
Tuy nhiên, do xuất thân từ lũy tre làng, những lao động này chủ yếu có trình độ học vấn thấp và không có tay nghề chuyên môn. Có khoảng 78% nữ công nhân nhập cư chưa được học qua bất kỳ một lớp đào tạo nghề nào nhưng những lao động này vẫn được các doanh nghiệp tuyển dụng vì phần lớn những công việc chỉ đòi hỏi lao động phổ thông, không cần đào tạo về tay nghề bài bản mà chỉ cần có người hướng dẫn thực tế vài ngày là có thể làm được như: một công đoạn của may mặc, điều khiển một công đoạn của dây chuyền, đóng gói, vận chuyển…Chính vì không có tay nghề chuyên môn, những nữ công nhân này cũng là những người đầu tiên được liệt kê trong danh sách sa thải lao động, cắt giảm lương khi có khủng hoảng kinh tế.
 
Cuộc sống khó khăn
Với những công nhân còn được giữ lại làm việc thì thu nhập cũng bị giảm đi nhiều, việc chi tiêu vốn đã không dư giả nay lại càng thêm tiết kiệm, kham khổ trong điều kiện giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Do việc kinh doanh không phát triển, nhiều doanh nghiệp cũng giảm hoặc bỏ làm thêm giờ cho công nhân. Thế nhưng nhiều chị em vẫn đăng ký đi làm thêm khi công ty có việc vì như vậy sẽ có một bữa ăn ca. Nhiều chị em khác thì phải tìm việc làm thêm ở các quán giải khát, cửa hàng ăn uống…
Một nhóm công nhân thuê nhà trọ ở Mễ Trì, HN cho biết: “Giá cả sinh hoạt ngày càng cao, để giảm chi tiêu, thay vì ăn cơm ở các quán ăn bình dân như trước đây thì bây giờ chúng tôi góp gạo thổi cơm chung với chi phí trung bình cho mỗi bữa chỉ trong giới hạn khoảng 3000đ-7000đ. Đấy là ăn, còn ở thì giá tiền thuê nhà cũng tăng lên, mấy tháng nay, tháng nào chúng tôi cũng phải xin chủ nhà cho lùi thời hạn trả tiền thuê nhà”. Với những nữ công nhân đã có gia đình, cuộc sống còn vất vả hơn nhiều, nhiều chi em phải chịu cảnh xa con, gửi con nhỏ về quê nhờ ông bà chăm sóc vừa là vì không tìm được nhà trẻ nào có mức học phí phù hợp vừa cũng là để có thời gian làm thêm kiếm tiền.
 
Rơi vào những cạm bẫy xã hội
Mặc dù mất việc làm hay giảm thu nhập, cuộc sống khó khăn hơn nhưng những công nhân này vẫn trụ lại làm việc bởi mức thu nhập hiện tại của họ vẫn còn cao hơn mức thu nhập nếu họ trở về quê. Chính từ cuộc sống bấp bênh của những nữ công nhân trong thời kỳ khủng hoảng này đã dẫn đến nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội. Một số nữ công nhân tham gia làm thêm ở những nơi nhạy cảm như quán karaoke, massage…cũng “tặc lưỡi” chấp nhận bán dâm khi bị dụ dỗ. Chị T. (công nhân KCN Bắc Thăng Long) cho biết: “Cùng hoàn cảnh là công nhân, tôi cũng biết có một số bạn tham gia mại dâm vì mất việc làm hoặc quá thiếu thốn, nhiều khi cũng là do họ bị áp lực vì khi rời quê hương để đi xa kiếm việc làm, những người như chúng tôi đều có mục đích là phải tiết kiệm tiền để gửi về cho gia đình. Nhưng tôi nghĩ là không có nhiều chị em chấp nhận làm việc đó để kiếm tiền”. Hệ lụy không tránh khỏi của những nữ công nhân, quyết định “liều mình” để kiếm tiền này là những bệnh xã hội như HIV/AIDS, nghiện heroin…
Khát khao kiếm tiền của những nữ công nhân trong thời khủng hoảng kinh tế như thế này đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho những đường dây mua bán dâm, mua bán người phát triền mà chính những nữ công nhân này là nạn nhân và rất có không ít trường hợp sau đó cũng sẽ trở thành tội phạm. Như Nguyễn Thị B, 23 tuổi ở Thanh Hóa, từng là công nhân nhưng bỏ việc do thu nhập quá thấp, sau khi sa vào một đường dây mua bán người và bị bán sang Trung Quốc làm gái bán dâm, B đã trốn được về Việt Nam. Nhưng sau đó dường như đã không còn gì để mất, B lại trở thành gái bán dâm ở một quán karaoke “ôm” ở Hải Phòng.

Khủng hoảng kinh tế đã khiến cho nhiều nữ công nhân mất việc làm, giảm thu nhập, rơi vào cuộc sống kham khổ, thiếu thốn, trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội…Họ rất cần sự giúp đỡ của nhà nước, các cơ quan, tổ chức xã hội và sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng; cụ thể là những mong muốn bảo đảm quyền lợi bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giải quyết khó khăn, giới thiệu việc làm, được nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm tự bảo vệ mình trước tệ nạn xã hội, phòng tránh các bệnh xã hội.

(theo Hạnh phúc & Thành đạt / HNEW tháng 11 năm 2009)